Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

mục đích học tập do UNESCO đề xứng “ Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người “


A. HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Giải thích :

- Thế nào là “ Học để biết”
- Thế nào là “ Học để làm”
- Thế nào là “ Học để chung sống”
- “Học để làm người” là gì?

2. Bình luận :

- Học là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người.
- Ai cũng phải học tốt để làm người phục vụ sự phát triển bản thân, gia đình và xã hội.
- Học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi.
- Cần có phương pháp học tập thích hợp để có hiệu quả cao.
- Học đi đôi với hành.

3.Mở rộng vấn đề : Phê phán tính lười học, nản chí trong học tập của một bộ phận thanh niên học sinh.

4. Liên hệ bản thân : tự giác chăm học, học đi đôi với hành.

5. Sử dụng tổng hợp các thao tác : giải thích, bình luận, chứng mình.

B. BÀI LÀM THAM KHẢO

Mở bài :

Mục đích học tập đúng đắn sẽ làm cho người ta say mê học tập và học tập có kết quả. Nhưng mục đích học tập thế nào là đúng? UNESCO đã giúp ta trả lời câu hỏi đó : “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”

Thân bài:

1. Học để có tri thức

“ Học để biết” tức là học để có tri thức. Tri thức về cuộc sống, về tự nhiên và xã hội, về nghề nghiệp chuyên môn, không ai sinh ra đã có tri thức. Học tập là cách duy nhất để có tri thức. Không học sẽ không bao giờ biết “Nhân bất học bất tri”. Trẻ em như trang giấy trắng. Học tập tạo nên tri thức tích lũy của mỗi người.

2. Học để có nghề, có việc làm

“ Học để làm” : học để có nghề nghiệp, việc làm, để lao động nuôi sống mình và góp phần phát triển xã hội, đất nước. “ Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Học nghề nghiệp tinh thông sẽ có năng suất lao động cao, giải quyết công việc dễ dàng, thuận lợi. Do xác định rõ mục tiêu “Học để làm “ nên mọi người sẽ cố gắng “học đi đôi với hành” . Học nghiêm túc, chu đáo, kỹ càng đề làm việc được tốt. Sinh viên Y khoa có học giỏi thì khi trở thành bác sĩ mới có thể chữa bệnh, cứu người, học dốt có khi lại làm hại người “ tiền mất tật mang”.

3. Học để có kỹ năng sống, không để “chết vì dốt”

“Học để chung sống” là học để có kỹ năng sống, dễ dàng thích nghi với mọi môi trường, hoàn cảnh sống, hòa thuận, hòa nhập với cộng đồng, với mọi người xung quanh. Người có học , có hiểu biết thường sống có lý, có tình, tính cách, đức hạnh thu phục lòng người, thường được mọi người yêu quý, kính trọng.

4. Học để có phẩm chất đạo đức con người.

“Học để làm người” là học để có phẩm chất đạo đức, có chuyên môn nghề nghiệp cao, thành công trong cuộc sống, nhờ học vấn mà người ta sống tự tin, tự trọng, hiểu đời, hiểu người, có nhân cách, có cá tính và thành đạt. Học để trưởng thành, và được anh em, bè bạn, đồng nghiệp tôn trọng, chính là “học để làm người”

5. Học tập là quyền lợi, và nghĩa vụ của mỗi người.

Mục đích học tập mà UNESCO nêu trên cho chúng ta thông điệp rằng học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Ai cũng phải học, học cho tốt để làm người, phục vụ cho bản thân và cho gia đình , xã hội.
Từ mục đích học tập như vậy mà UNESCO đưa ra phương châm “Học tập suốt đời”. Để biết, để làm, để chung sống và để tự khẳng định mình, người ta phải học tập suốt đời. Xã hội ngày nay đã phát triển đến mức có các phương tiện thích hợp để mọi người học tập suốt đời.

Xác định mục đích học tập đúng đắn là điều rất quan trọng để chứng mình ta cố gắng vượt mọi khó khăn, chăm học và học giỏi. Nhiều bạn trẻ chưa xác định được động cơ học tập nên lười học, trốn học, quay cóp và thiếu trung thực trong học tập. Học tập miễn cưỡng, “Đi học cho cha mẹ”. Học mà không có niềm vui thì làm sao mà học tốt được.

6. Học đi đôi với hành

Phương pháp học tập tốt và phù hợp là rất quan trọng. “Học đi đôi với hành”, tăng cường tự học để “ Học tập suốt đời”, học mọi lúc mọi nơi, chú ý quan sát thực tế cuộc sống, liên hệ, suy nghĩ, sáng kiến, sáng tạo trong khi kết hợp học với hành để có kết quả học tạp tốt và thành công trong cuộc sống.

Để đạt mục tiêu” Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người”, chúng ta phải học một cách sáng tạo. Học một cách thực chất và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Học để có kỹ năng lao động cao, có kết quả việc làm tốt. Kết quả học tập phải cao, được xã hội công nhận (đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh đậu thủ khoa trong các kỳ thi). Người đã đi làm thì nhờ học vấn cao mà thể hiện được năng lực làm việc, được đồng nghiệp và cơ quan tín nhiệm, cân nhắc, đề bạt, thành đạt trong sự nghiệp. “Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý”, là thước đo học vấn của mỗi người chúng ta.

Người có học, người có tri thức thể hiện ở kỹ năng sống thành thục, ở quan hệ xã hội tốt đẹp, nhờ không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Nhờ có học mà chúng ta “không chết vì dốt”, biết tự bảo vệ mình như biết cách phòng bệnh, không để nhiễm phải HIV, AIDS, virust viêm gan B…. Lối sống giản dị, khoa học, văn mình là kết quả của học vấn.

Mục đích học tập do UNESCO đề xướng không cho riêng học sinh, sinh viên, mà cho con người nói chung. Múc đích học tập đúng đắn và có cơ sở khoa học cao, tổng kết từ thực tiễn hàng nghìn năm đó của UNESCO luôn nhắc nhở mọi người hãy luôn luôn học tập, suốt đời học tập.

Xã hội, nhà nước và nhân dân, các hội khuyến học phải tuyên truyền giáo dục, nêu cao, biểu dương tinh thần ham học, hiếu học, làm cho xã hội ta trở thành “ xã hội học tập”

Kết luận:

Lời đề xướng về mục đích học tập của UNESCO là ngọn đèn soi sáng cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong học tập và làm việc. Em phấn đấu học thật tốt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến