Trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

ĐÂY THÔN VĨ DẠ
- Hàn Mặc Tử -

Hàn Mặc Tử - một thi nhân với một cuộc đời hết sức lãng mạn và đầy bi kịch. Ông là một trong những nhà thơ lỗi lạc nhất của phong trào Thơ mới. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” rút trong tập thơ Điên của Hàn Mặc Tử được coi là một trong những kiệt tác của nền thơ ca Việt Nam. Bài thơ giải bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khao khát về hạnh phúc của thi sĩ đa tình, có nhiều duyên nợ với cảnh và con người Vĩ Dạ.

Mờ đầu bài thơ, tác giả miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên và con người thôn Vĩ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Câu đầu “dịu ngọt” như một lời chào mời, vừa mừng vui hội, vừa nhẹ nhàng trách móc người thương biết bao nhớ đợi chờ. Giọng thơ êm dịu, đằm thắm và tình tứ trong cau hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Cảnh Vĩ Dạ được nói đến là hàng cau với nắng mới lên, một bình minh rạng ngời. Là màu xanh của cây trái của “vườn ai”, ngỡ ngàng bâng khuâng, rồi thốt lên “mướt quá xanh như ngọc”. Sắc xanh mượt mà, láng bóng ngời lên. Hai chữ “vườn ai” đã gợi ra nhiều ngạc nhiên và man mác. thiếu nữ với khóm trúc vườn đầy đặn, phúc hậu. “Lá trúc che ngang” là một nét vẽ thần tình đã tô đậm nét đẹp của cô gái Huế duyên dáng, dịu dàng, kín đáo, tình tứ đáng yêu với “mặt chữ điền”, thể hiện một con người cương trực. Cau, nắng, màu xanh như ngọc của vườn ai, lá trúc, gương mặt chữ điền - năm nét vẽ, nét nào cũng tinh tế, tao nhã, gợi nhiều thương mến bâng khuâng. Với nỗi niềm khắc khoải nhớ về miền quê Vĩ, Dạ Hàn Mặc Tử đã vẽ nên khung cảnh thanh bình, yên ả của Vĩ Dạ. Đây là sự sáng tạo của tác giả. Người dân thôn Vĩ rất tự hào về vẻ đẹp quê hưong mình. Tâm hồn họ quyện vào vẻ đẹp thiên nhiên, trời trong xanh, nước trong xanh, cây cối xanh mướt, trong lành.

Đến khổ thơ thứ hai, tác giả dồn tình cảm của mình để khắc hoạ nét đẹp riêng của mây trời, sông nước xứ Huế:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Một không gian nghệ thuật, một miền quê thoáng đãng, thơ mộng. Nhịp điệu khoan thai thơ mộng của miền sông Hương, núi Ngự được diễn tả rất tinh tế. Có gió, mây, cỏ hoa, có dòng nước. Cảnh đẹp đầy thi vị, cổ điển. “Gió” với “mây” đôi ngả phân li như mối tình nhà thơ, tưởng gần đấy mà xa vời, cách trở., nhiều bâng khuâng, man mác.. “Dòng nước buồn thiu” chỉ dòng Hương Giang êm trôi lờ lững, trong tâm tưởng thi nhân trở nên “buồn thiu”, buồn xa vắng mơ hồ. Hoa bắp nhè nhẹ “lay” nhè nhẹ đung đưa trong gió thoảng cũng gợi buồn. Nếu khổ một nói đến “nắng mới lên”, nắng bình minh. Thì khổ hai, nói đến “bến sông trăng”, bến đò trong hoài niệm. Vầng trăng của thương nhớ đợi chờ. Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. Thuyền em hay “thuyền ai” vừa thân quen, vừa xa lạ. Nó gợi lên một mối tình thương nhớ, đợi chờ man mác, mơ hồ, bâng khuâng. Bến sông trăng còn đó,
nhưng con thuyền tình có kịp chở trăng về tối nay?

Khổ thơ cuối của bài thơ lả hình ảnh cô gái, người tình, như gần, như xa, như thực, như mơ, vừa thân thiết, vừa xa vời… hiện ra như một ảo ảnh:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

“Mơ khách đường xa, khách đường xa… ai biết… ai có…” các điệp ngữ luyến láy ấy tạo nên nhạc điệu sâu lắng, dịu buồn, mênh mang. Người đọc thêm cảm thương cho nhà thơ tài hoa, đa tình mà bạc mệnh, từng say đắm với bao mối tình nhưng suốt cuộc đời phải sống trong cô đơn bệnh tật. Cũng cần nói đôi lời về chữ “ai” trong bài thơ này. Cả bốn lần chữ “ai” xuất hiện đều mơ hồ ám ảnh: “vườn ai mướt quá xanh như ngọc?” – “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?” – “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Con người mà nhà thơ nói đến là con người xa vắng, trong hoài niệm bâng khuâng. Nhà thơ luôn cảm thấy mình hụt hẫng, chơi với trước một mối tình đơn phương mộng ảo. Một chút hi vọng mong manh mà tha thiết như đang nhạt nhoà và mờ đi cùng sương khói.

“Đây thôn Vĩ Dạ” ngỡ là một bài thơ tả cảnh, nhưng đích thực là một bài thơ tình – tình trong mộng tưởng. Cảnh rất đẹp, rất hữu tình, âm điệu thiết tha, tình tứ. Tình cũng rất đẹp nhưng chỉ là mộng ảo. Từ cõi thực chìm dần vào cõi mộng. Ngay từ đầu, cảnh và người thôn Vĩ cùng hiện ra như một hình dung trong mơ ước; đến khổ thứ hai đã tràn đầy mộng ảo, sang khổ thứ ba mộng toàn phần... Vì là sản phẩm của một trạng thái mơ, nên giữa các khổ thơ có vẻ “đầu ngô, mình sở”, không tuân theo lô-gíc nào cả. Nó phi lô-gíc bề mặt, nó đồng hiện và đột hiện. Nhưng nó có lô–gíc chiều sâu: tiếng của một tình yêu tuyệt vọng, thảng thốt và đau đớn... Các câu hỏi tu từ trong bài thơ không chỉ góp phần tạo nên âm điệu lâng lâng, ngỡ ngàng mà còn dẫn hồn người đọc nhớ về một miền dân ca Huế man mác sâu lắng, bồi hồi, thiết tha. Hàn Mặc Tử đã mở đầu bài thơ bằng câu hỏi tu từ và bài thơ khép lại với câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” … “Ai biết tình ai có đậm đà”. Câu hỏi ở cuối bài thơ dường như cũng là câu trả lời cho câu hỏi mở đầu bài thơ, thể hiện sự khao khát yêu và được yêu của nhà thơ. Đó cũng là khát vọng sống, khát vọng giao tiếp với cuộc đời của Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử đã để lại cho ta bài thơ tình thật hay. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng, ngạc nhiên và thẫn thờ... bao hình ảnh và cảm xúc đẹp hội tụ trong ba khổ thơ thất ngôn, câu chữ toàn bích. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ tình tuyệt tác.

1 nhận xét:

Bài đăng Phổ biến